Nghề dệt truyền thống có mặt tại rất nhiều các làng quê Việt Nam. Song có một làng nghề tuy không được nhắc đến nhiều nhưng lại được không ít người biết đến thông qua các trang viết của nhà văn Nam Cao. Làng dệt Vũ Đại, nay còn gọi là làng Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Khác với các làng nghề khác, làng dệt của quê hương nhà văn Nam Cao không có một sản phẩm đặc trưng, mà chủ yếu là các sản phẩm vải thô. Tuy nhiên cái đáng nói ở làng dệt Vũ Đại này chính là lòng thực sự yêu nghề, say nghề của mỗi người dân. Có thể nói đó là một yếu tố vô cùng quan trọng để mỗi làng nghề truyền thống được thúc đẩy, phát triển mà không sợ bị mai một. Ngày xuân chúng ta cùng trở về Vũ Đại để lắng nghe những chia sẻ tình cảm với nghề dệt của người dân nơi đây…
Gần 50 năm lăn lộn với nghề truyền thống của làng, với bà Trần Thị Mùi, nghề dệt đã trở thành một thứ tình cảm gần như máu thịt: "Tôi rất yêu cái nghề này, gần như máu thịt của mình. Những lúc mất điện, cả làng im ắng, không nghe thấy tiếng dệt chúng tôi thấy như thiếu vắng một cái gì, khi đi xa cũng nhớ về tiếng thoi dệt”.
Gắn bó với nghề, rồi yêu nghề…Song mỗi người dân làng dệt Vũ Đại lại thể hiện tình yêu ấy theo những cách riêng.
Không khắc khoải nhớ về tiếng thoi mỗi khi đi xa như những người già như bà Mùi, thế hệ trẻ trong làng lại đau đáu với câu hỏi làm sao để phát triển làng nghề cha ông để lại, làm sao để nghề dệt không chỉ là để nuôi sống, mà còn là để làm giàu cho quê hương: “Tại sao có nghề truyền thống cha ông để lại cho đời con đời cháu của mình mà mình không làm được. Vì nghĩ thế nên tôi đã quyết tâm gầy dựng và đi sâu vào nghề này" - Anh Trần Bá Cường, Chủ DN dệt may Phú Cường bày tỏ.
Và không chỉ trăn trở, nhiều người đã tự tìm cho mình lời giải. Sinh ra tại làng Vũ Đại, Hà Nam, nhưng lại sống và làm việc tại Nam Định. Sau nhiều đắn đo, suy tính, cuối cùng ông Long lại quyết định trở về chính làng dệt của mình để lập nghiệp. Và công ty dệt may đầu tiên của làng Vũ Đại đã ra đời cách đây tròn 10 năm. Nhìn lại đến giờ, ông Long vẫn coi đấy là quyết định mang nhiều ý nghĩa và là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông. Ông Trần Thế Long, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang: “Quê tôi từ xưa có nghề dệt truyền thống, song chưa có nền dệt công nghiệp hiện đại. Từ chuỗi ngày làm ăn manh mún nhỏ lẻ, từ khi có Châu Giang, người dân học hỏi được cách làm ăn phù hợp với thị trường hiện nay. Cho đến ngày hôm nay thì có rất nhiều công ty khác mọc lên và đặc biệt làng nghề cũng phát triển theo”.
Cùng với Châu Giang, hiện đã có hàng chục các công ty dệt may khác trong làng ra đời. Đấy là chưa kể đến các tổ hợp, các xưởng sản xuất đơn lẻ. Tính chung toàn làng, có khoảng gần 4000 khung dệt, thu hút tới trên 90% lao động của cả làng. Đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lao động không nhỏ của các làng xã lân cận.
Gần 60 tuổi, cái tuổi của sự nghỉ ngơi, cuộc sống lại tương đối đầy đủ, song bà Mùi vẫn nhất quyết giữ lại một khung dệt cho riêng mình: Không phải là để làm nghề, mà chỉ vì nhớ nghề không chịu nổi. Hàng ngày, tiếng thoi của bà Mùi vẫn hòa quyện vào những tiếng thoi rộn ràng trên khắp thôn làng ngõ xóm. Họ dường như quên rằng mùa xuân đang về…
Không có nhận xét nào: