» » » » » » » Về Hòa Hậu – Lý Nhân Khám phá ngôi nhà hơn 100 năm tuổi đầy bí ẩn của ‘Bá Kiến’

Ngôi nhà ở làng ‘Vũ Đại’ đã trải qua hơn một thế kỷ với nhiều đời chủ và nhiều lần “chết hụt”, nhưng vẫn hiên ngang.
Ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đang tồn tại một ngôi nhà gỗ 16 cây cột lim mái ngói, với nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo. Kỳ lạ hơn khi ngôi nhà này đã trải qua hơn 100 năm với nhiều đời chủ… và nhiều lần “chết hụt” nhưng vẫn hiên ngang. Đó chính là ngôi nhà “Bá Kiến”, nguyên mẫu trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao.

Ngôi nhà có một kiến trúc độc đáo ít người biết đến

Cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 40 km theo đường tỉnh lộ là xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam (xưa kia gọi làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, phủ Lý Nhân – Hà Nam), quê hương của cố nhà văn Nam Cao. Và cũng chính cố nhà văn Nam Cao là người đã viết nên tác phẩm để đời Chí Phèo với những nhân vật nổi tiếng như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… cho đến địa danh “làng Vũ Đại” đã đi vào lòng người từ bao thế hệ như một niềm tự hào dân tộc. Nhưng ít ai biết đến những câu chuyện thăng trầm xung quanh ngôi nhà Bá Kiến thực, vốn là nguyên mẫu trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn này.

Ngôi nhà này vốn từng thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Bá Bính, tên thật là Trần Duy Bính (mất năm 1946) được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến. Đây có lẽ là lý do để cuộc đời nguyên mẫu cũng như ngôi nhà của ông này có nhiều kỳ lạ.

Nằm ngay sát bên con đường đất liên thôn ở xóm 11 xã Hòa Hậu là ngôi nhà Bá Kiến tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 900 m2, cửa ngoảnh theo hướng Tây -Nam. Hiện nay nếu nói người hiểu biết rõ nhất về ngôi nhà Bá Kiến này không ai khác chính là cụ Trần Bá Huấn (82 tuổi, xóm 11, xã Hòa Hậu), một cao niên trong làng. Vốn là một giáo viên về hưu đã hàng chục năm nay cụ Huấn tẩn mẩn tỉ mỉ cất công tìm hiểu nghiên cứu và ghi chép lại hồ sơ chi tiết về ngôi nhà này.

Ngôi nhà được lấy nguyên mẫu cho câu chuyện của nhà văn Nam Cao.

Cụ Huấn giới thiệu tỉ mỉ về kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà: “Ngôi nhà này được kết cấu theo kiểu “lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp”. Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau gần như 100%. Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ. Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ Nho, hình rồng. Đặc biệt trên nóc nhà (thượng ốc) có khắc dòng chữ Nho nói về thời gian chính xác năm làm ngôi nhà”.

“Khi đó, vôi cũng đang ít chứ chưa nói đến xi măng, người ta trộn mật mía, mù hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác như vỏ cây Bời lời để làm thành hồ xây nhà. Còn gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian nhưng bức tường vẫn không hề bong tróc. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp”, cụ Huấn nói.

Lạ hơn khi được biết dù đã hơn 100 năm nhưng mái ngói của ngôi nhà này vẫn chưa một lần tu sửa nhưng vẫn phẳng lỳ một cách tuyệt đối và không bị dột nát. Tìm hiểu về sự lạ kỳ của mái ngói ngôi nhà này, các cụ cao niên trong làng “Vũ Đại” hiện nay đều kể rằng, trước khi đem ngói lợp lên ngôi nhà thì các tay thợ thi công ngôi nhà này dùng nước mù hóng đặc ngâm những viên ngói này vào nhiều giờ đồng hồ rồi sau đó đem ra phơi khô. Tiếp theo các viên ngói được chọn lọc về độ bền một cách rất cẩn thận với phương pháp được coi là rất đơn giản nhưng lại hiệu quả và tốn không ít thời gian đó là người ta lấy lần lượt 2 viên ngói “chọi vào nhau” (gõ nhẹ vào nhau), nếu viên nào rạn nứt hoặc vỡ bể thì viên đó bị loại bỏ và chỉ chọn lấy một viên còn lại. Cứ như thế phải hàng chục nghìn viên ngói thì các thợ thi công ngôi nhà mới chọn ra được một số lượng nhỏ ngói để dùng lợp ngôi nhà.

Không chỉ riêng ngôi nhà mà ngay cả phần sân trước ngôi nhà Bá Kiến cũng có những nét riêng. Theo cụ Huấn, diện tích mặt sân trước ngôi nhà là khoảng 70 m2 được lát bằng thứ gạch được nung bằng rơm cùng với loại gạch lát trong nền nhà, cũng đã trải qua thăng trầm cùng ngôi nhà nhưng phần gạch ở sân này cũng chưa hề bị hư hỏng.

Ở mép ngoài bờ sân ngay chính diện cửa chính ngôi nhà còn có một cái bể nước nho nhỏ hình chữ nhật khoảng 2 mét vuông mà theo lý giải của nhiều người thì việc cái bể nước được xây dựng như vậy là để hợp với phong thủy của ngôi nhà.

Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba

Đến nay nếu nói để có một tài liệu chính thống nào ghi chép chính xác về ngôi nhà “Bá Kiến” là rất khó mà chỉ qua lời truyền tụng của mọi người. Về làng “Vũ Đại” hôm nay nếu hỏi về tuổi tác của ngôi nhà “Bá Kiến” chắc chắn từ trẻ con mẫu giáo đến các cụ cao niên đều thuộc lòng các câu thơ:

“Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba…”

Cụ Lễ Trần Thế Lễ (92 tuổi), xóm 11, xã Hòa Hậu, là một trong những người cao tuổi nhất làng đã giải mã tuổi tác và thăng trầm của ngôi nhà thông qua những câu thơ được truyền tụng này. Chính cụ cũng từng là người thiếu chút nữa trở thành chủ nhân thứ 5 của ngôi nhà. Nói về ngôi nhà cổ này, cụ Lễ vẫn còn nhớ như in:

“ Nhà ‘Bá Kiến’ tính đến bây giờ đã qua 7 đời chủ. Chủ thứ nhất là cụ Cựu Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có. Vào khoảng thập niên đầu tiên của thế kỷ XX (những năm 1910), cụ thuê hơn 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về làm mấy tháng trời ròng rã mới xong. Đây cũng chính là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả Phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận ở xứ Bắc Kỳ thời này đều chưa có. Khi Cụ Hanh mất đi để lại cho con là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó Cựu Cát đã gạt nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính)”.

Cụ Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm “Chí Phèo”. Và cũng chính từ khi ngôi nhà vào tay cụ Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt. Đây cũng là lý do giải thích tại sao ngôi nhà lại gắn liền với tên chủ nhân là nhà “Bá Kiến” được truyền tụng qua bao thế hệ nay.

Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo kế thừa, vốn là con trai của bà cả. Sau khi bà cả chết, cụ Bá Bính đã lấy vợ hai. Binh Tảo nghiện rượu, những đồ đạc trong nhà ông đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị ông đem ra rao bán, và chính cụ Trần Thế Lễ bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu là một Việt kiều mua lại để định cư. Giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500 đồng (tương đương với hàng chục cây vàng thời bấy giờ). Chủ nhân thứ 7 của ngôi nhà ông Trần Hữu Hòa, là cháu cụ Cai Hậu. Ông Hòa chính là chủ nhân cuối trước khi UBND tỉnh Hà Nam có quyết định lưu giữ ngôi nhà này vào năm 2007 sau khi đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng.

Ngôi nhà có ‘vía’ rất cao

Chính sự tồn tại hơn 100 năm với 7 đời chủ sở hữu mà mỗi khi nhắc đến ngôi nhà thì người dân làng “Vũ Đại” lại ví rằng căn nhà có một số phận như con người và nó có “vía” rất cao. “Vía” của ngôi nhà càng được kiểm định khi chính ngôi nhà đã vận cho mình sự may rủi nhất định đó là căn nhà đã hai lần phải “chết hụt” vì những tai nạn và những biến đổi của lịch sử.

Nói về chuyện ngôi nhà 2 lần “chết hụt” thì không ai hiểu rõ câu chuyện bằng cụ Trần Bá Huấn (81 tuổi), xóm 11, xã Hòa Hậu. Chính cụ Huấn là một trong 2 du kích địa phương trực tiếp dập lửa cứu ngôi nhà khi thực dân Pháp phóng hỏa đốt.

Cụ Huấn kể lại: “Năm 1953 khi thực dân Pháp mở trận càn lớn nhằm vào các làng xã nơi đây, trong đó có làng Đại Hoàng. Khi đó tôi 19 tuổi tham gia du kích địa phương làm nhiệm vụ cắm chông. Hôm đó lúc giặc đến thì tôi và Huỳnh trú ẩn tại một căn hầm bí mật gần ngôi nhà Bá Bính. Thực dân Pháp càn tới dùng chất hóa học bôi lên cột nhà sau đó phóng hỏa đốt. Nhưng lúc lửa bắt đầu bén cháy thì bọn thực dân Pháp lại có kèn báo hiệu rút quân. Chúng tôi lên khỏi hầm thì thấy cột nhà đã cháy, lửa bắt đầu lan lên mái. Hai anh em vội vã dùng xô, gàu múc nước dập lửa”.

Còn lần thứ 2 ngôi nhà này thiếu chút nữa bị người ta mua để xẻ ra lấy gỗ. Khi đã có người ngỏ ý mua về xẻ lấy gỗ nhưng chưa thực hiện được thì rất may có người đi nước ngoài về mua lại ngôi nhà với giá cao hơn để định cư.

Còn lần “chết hụt” nữa của ngôi nhà này xảy ra khi ngôi nhà đang thuộc quyền sở hữu của con trai cụ Bá Bính – tức Binh Tảo, Binh Tảo túng quẫn trong rượu chè đã rao bán ngôi nhà và chính người hỏi mua là ông Trần Thế Lễ, người vốn nổi tiếng là giàu có trong vùng thời bấy giờ. Ông Lễ gạ mua căn nhà với mục đích xẻ lấy 16 cột gỗ được làm bằng lim. Rất may, khi ý định ấy chưa được thực hiện thì một Việt kiều là cụ cai Hậu đã hỏi mua với mục đích định cư lâu dài. Cũng lần ấy, số phận căn nhà nhờ thuộc về cụ cai Hậu mà thoát khỏi “án tử”.

Lý giải về “vía” của ngôi nhà “Bá Kiến” cao để có thể tồn tại với thăng trầm lịch sử như vậy, các cao niên thạo Nho văn ở làng Đại Hoàng hiện nay cho hay: “Chính bởi xuất xứ của ngôi nhà gỗ đặc biệt này lại qua tay những người có máu mặt bậc nhất ở làng “Vũ Đại” lúc bấy giờ sở hữu nên việc ngôi nhà có cái “vía” cao như minh chứng lịch sử đã hiện hữu là có thể dễ hiểu. Đó bởi là trong mỗi con người đều có sẵn cái “vía”, có người “vía” cao, có người “vía” thấp, tương tự như vậy ngôi nhà “Bá Kiến” cũng có số phận như một con người, và có ‘vía’ rất cao”.

About Unknown

Hi there! I am Hung Duy and I am a true enthusiast in the areas of SEO and web design. In my personal life I spend time on photography, mountain climbing, snorkeling and dirt bike riding.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply