Đình Lũng Xuyên (Còn gọi là đình Gạo) thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Đình thờ Lý Thường Kiệt với ý nghĩa đây là địa điểm mà ông cùng các binh sĩ của ông thường nghỉ lại mỗi khi đi đánh trận qua. Gắn liền với các truyền thuyết của địa phương về sự kiện trên với các địa danh còn lại như ao Vua, đường Quan Nha, đống Cả, đường Voi.
Đình Lũng Xuyên (Còn gọi là đình Gạo) thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.
Đình thờ Lý Thường Kiệt với ý nghĩa đây là địa điểm mà ông cùng các binh sĩ của ông thường nghỉ lại mỗi khi đi đánh trận qua. Gắn liền với các truyền thuyết của địa phương về sự kiện trên với các địa danh còn lại như ao Vua, đường Quan Nha, đống Cả, đường Voi.
Đình Lũng Xuyên toạ lạc trên một khu đất cao ở đầu làng sát trục đường giao thông liên xã nên rất thuận lợi cho việc đi lại, mặt tiền nhìn hướng nam, phía trước là cả một cánh đồng lúa nên tạo cảnh quan thoáng đãng.
Đình xây dựng theo kiểu chữ đinh, tiền đường 5 gian hậu cung 3 gian, mái lợp ngói nam. Nghệ thuật trạm khắc ở đình Lũng Xuyên được thể hiện với các đề tài: long cuốn thuỷ, long vân hội tụ, mẫu long giao tử, các cảnh tùng, lộc, mai, trúc, cúc hoá long…
Thôn Lũng Xuyên quê hương của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến với ngôi đình làng Lũng Xuyên là cái nôi cách mạng của tỉnh Hà Nam, đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, chứng kiến sự phát triển của cách mạng trong những năm chuẩn bị thành lập Đảng và những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền gắn với tên tuổi đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, người cộng sản kiên cường bất khuất.
Sự kiện lịch sử trọng đại nhất là tại đình Lũng Xuyên năm 1927 đã chứng kiến một cuộc họp thành lập chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Đồng chí Trần Tử Yến thay mặt kỳ bộ Bắc Kỳ công nhận chi bộ Hà Nam gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Văn Uyển và Trần Tử Yến là đảng viên của chi bộ.
Sau sự kiện lịch sử trọng đại này nhiều tổ chức quần chúng như Hội tương thế, Hội hỷ, Hội bóng đá được thành lập thu hút hầu hết thanh niên ở Lũng Xuyên tham gia thường xuyên tổ chức sinh hoạt tại đình làng.
Tại đình làng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã lấy nơi đây để dạy chữ quốc ngữ cho trẻ em và phụ nữ với biệt danh là giáo Hoài.
Tháng 11-1929 tại đình Lũng Xuyên đã tổ chức thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng gồm 6 đảng viên. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Doãn Chất, Vũ Uyển, Nguyễn Văn Trạc, Phạm Tô, Phạm Văn Bình, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử làm bí thư chi bộ.
Năm1929 nhóm cộng sản đã cắm cờ đỏ búa liềm của Đảng trên cây gạo của đình làng.
Cùng với đình Lũng Xuyên các cơ sở khác trong thôn đã ghi những dấu ấn trong thời kỳ Đảng ta ra đời.
Tháng 9-1930 tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trạc ở Lũng Xuyên đã diễn ra hội nghị thành lập Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Hội nghị cử ra Ban Tỉnh uỷ lâm thời gồm 3 đồng chí (Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Duy Huân), đồng chí Lê Công Thanh được cử làm Bí thư.
Năm 1931 Lũng Xuyên trở thành cơ sở cách mạng vững mạnh của huyện và tỉnh Hà Nam, trở thành trụ sở hoạt động của cơ quan lãnh đạo của tỉnh, là cơ sở an toàn để cán bộ Xứ uỷ, tỉnh uỷ qua lại thường xuyên.
- Cơ quan ấn loát của Đảng được đặt tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.
Hậu cung đình làng là nơi cất giấu tài liệu của Đảng, hai bên dải vũ tổ chức cắt bán thuốc bắc để làm nơi theo dõi nắm bắt tình hình địch và cũng là làm kinh tế để lấy tiền hoạt động.
Tháng 11-1931 hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam họp tại nhà ông Chưởng có đại biểu của xứ uỷ và 13 đại biểu của các huyện thị tham dự. Hà Nam đã bầu ra Ban Tỉnh uỷ chính thức gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử làm công tác tuyên truyền của Đảng bộ.
Trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền tại đình Lũng Xuyên lại liên tiếp xảy ra các sự kiện lịch sử:
- Ngày 15 và ngày 16 -8-1945 một cuộc họp cấp tốc của ban cán sự tỉnh Hà Nam được họp tại nhà bà Gái để bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
- Đêm ngày 19-8-1945 lực lượng chính của cách mạng tập trung ở đình Lũng Xuyên để chờ lệnh xuất phát.
- Sáng sớm 20-8-1945 tại sân đình Lũng Xuyên 3 tiểu đội vũ trang của huyện đã làm lễ tuyên thệ trước cờ Tổ quốc và tiến quân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện thắng lợi.
Lũng Xuyên - Mảnh đất cách mạng của tỉnh Hà Nam luôn tự hào về truyền thống quê hương. Nơi sân đình đã tiễn đưa biết bao người con của quê hương lên đường bảo vệ Tổ quốc va cũng không ít người đã hy sinh vì quê hương đất nước.
Biết ơn nhà cách mạng tiền bối, Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã xây dựng nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ngay trên mảnh đất đã gắn bó tuổi thơ với những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí. Ngôi nhà lưu niệm được xây dựng trên nền nhà cũ gồm 4 gian khang trang sạch đẹp. Hiện tại nhà lưu niệm để cho bà Nguyễn Thị Xu là con gái của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ở và hương khói cho đồng chí. Đồng thời cũng để đón các đoàn khách tới tham quan thắp hương tưởng niệm .
Trong những năm qua ngôi đình lịch sử và nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã đón nhiều đoàn khách của Trung ương, của Tỉnh, của Huyện. Các lớp học ngoại khoá, lớp đối tượng Đảng của huyện, tỉnh đều về đây tham quan nghe giới thiệu lịch sử và thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Hữu Tiến . Đình Lũng Xuyên - cũng là nơi lấy lửa truyền thống cho hội trại, hội thi của huyện Duy Tiên. Thôn Lũng Xuyên - đình Lũng Xuyên ngôi nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là điểm du lịch lịch sử có ý nghĩa xủa huyện Duy Tiên nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam
Không có nhận xét nào: