Đình Quyển Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một trong những di tích truyền thống nổi bật của tỉnh Hà Nam. Quyển Sơn có đền Trúc thờ Hoàng hậu và Công chúa từ lâu đời. Lưu truyền điển tích rằng: Khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải cho thuyền ép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn. Sau chiến thắng, trên đường về kinh đô, khi qua vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc lễ tạ âm thần, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng, mời dân làng tham dự và xin Vua phong bà hàng nước là Mẫu hậu, cô con gái là Công chúa và sửa sang lại đền thờ. Có ân với dân làng nên khi Lý Thường Kiệt mất (năm 1105), nhân dân Quyển Sơn đưa ông vào thờ ở đền Trúc rồi suy tôn ông là Thành hoàng làng thờ tại đình vào thế kỷ thứ XVII.
Hai trụ biểu cổ
Năm 1948, đình bị tàn phá do chiến tranh, chỉ còn lại 2 trụ biểu cổ và 24 bộ đá tảng to lớn còn nguyên trên nền đình.
Từ năm 2001, được họa sỹ, nhà lịch sử mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến, họa sỹ khảo cổ học Nguyễn Sơn Ca cùng Ban Khôi phục xây dựng đình làng sưu tầm những chứng tích và 33 sắc phong từ năm Vĩnh Tộ thứ 6 triều Vua Lê Thần Tôn (năm 1624) đến năm thứ 9 Vua Khải Định (năm 1925) nhằm xây dựng lại đình.
Xây dựng đình mới
Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương đã cùng nhau xây dựng, tôn tạo lại đình và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam
Không có nhận xét nào: